KTĐB – Không chỉ Nike, H&M cùng một loạt thương hiệu thời trang khác đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc. Nguyên nhân nào khiến họ từ bỏ thị phần béo bở này? Người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng sau quyết định không thu mua bông ở Tân Cương vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cuộc chiến NIKE, H&M và tẩy chay Trung Quốc
Sáng ngày 25/3, cộng đồng mạng Trung Quốc có một phen “dậy sóng” khi phát hiện IP của người dùng Trung Quốc không thể truy cập vào website của Nike. Nguyên nhân của sự việc này đến từ việc hàng loạt các thương hiệu thời trang lớn như H&M, Nike, Uniqlo, Adidas, Fila, Puma, GAP, Zara, Tommy Hilfiger, Ralph Lauren,… tuyên bố không nhập bông vải Tân Cương, Trung Quốc với lý do “không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng”.

Động thái này của H&M được đưa ra không lâu sau khi Mỹ và một số châu Âu áp lệnh trừng phạt một số cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. H&M nhấn mạnh mục đích của họ là ủng hộ tất cả người nông dân trên thế giới có thể tiếp tục áp dụng phương thức gieo trồng bông, bảo vệ sức lao động của người nông dân.
Trên thực tế, từ cuối năm 2020, Mỹ và một vài nước Châu Âu cáo buộc Trung Quốc về việc ép buộc người dân tộc thiểu số làm việc trong môi trường khắc nghiệt để thu hoạch được bông vải kéo theo hàng loạt thương hiệu tuyên bố tẩy chay bông Tân Cương, ủng hộ nhân quyền.
Hãng Nike từ chối bình luận về vấn đề này
Làn sóng tẩy chay này chỉ thật sự nổi lên vào sáng ngày thứ 3, 23/3 trên các diễn đàn và đến tối hôm qua, 24/3 khi đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) lên án hãng thời trang H&M, hashtag kêu gọi kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M trên diễn đàn thương mại điện tử Taobao. Ngay lập tức, các sản phẩm của H&M bị “bay màu” trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tmall, Taobao,… Đài truyền hình CCTV đã chỉ trích H&M rằng, đó là “một tính toán sai lầm” và cho hay H&M “chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình”.

App H&M bị chặn ở Trung Quốc và các ứng dụng gọi xe cũng xóa định vị điểm đến của các cửa hàng bán lẻ H&M. Sản phẩm của các hãng thời trang khác ủng hộ chiến dịch này như Nike, Adidas, Uniqlo,… cũng đã bị xóa khỏi các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.
Washington Post đã dẫn tuyên bố của một số diễn viên Trung Quốc đang có hợp đồng quảng cáo cho H&M cho biết, các nghệ sỹ nổi tiếng Trung Quốc như Hoàng Hiên, Tống Thiến cũng tuyên bố chấm dứt các hợp đồng hợp tác với hãng thời trang danh tiếng. Phòng làm việc của Tống Thiến trong thông báo phát đi hôm 24/3 khẳng định nữ diễn viên không còn quan hệ với H&M và nhấn mạnh “lợi ích của đất nước là trên hết”.

Trong bài phản hồi đăng trên weibo, H&M Trung Quốc đã cho biết: “Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc” và nói thêm: “Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc”. H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới tính theo doanh số, sau Inditex – chủ sở hữu của Zara. Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư của họ.
Bạn nghĩ sao về động thái cứng rắn này của Nike? Và liệu Trung Quốc có áp dụng trừng phạt lên Nike như cách đã làm với H&M?